1. Trò chơi Cướp cờ
a) Giới thiệu trò chơi
Đây là trò chơi không còn quá xa lạ với mọi người, trò chơi này đòi hỏi người chơi phải phản ứng và chạy nhanh. Nếu như người chơi không chạy nhanh để cướp cờ thì bạn phải chặn người cướp được cờ và giật cờ chạy về đích thật nhanh để giành chiến thắng.
b) Hướng dẫn cách chơi và luật
– Đầu tiên, chia người chơi từ 2 đội chơi trở lên, các người chơi đứng hàng ngang ở vạch xuất phát của đội mình. Sau đó trọng tài sẽ phân các người chơi theo từng số thứ tự 1, 2, 3, 4, 5,… nên người chơi phải nhớ số chính xác của mình.
– Khi trọng tài gọi tới số nào thì người chơi của số đó phải nhanh chóng chạy đến vòng và cướp cờ.
– Hoặc nếu trọng tài gọi số nào về thì số đó phải về, trong quá trình gọi số, trọng tài cũng có thể gọi hai ba bốn số cùng một lúc lên tranh cướp cờ.
– Trong quá trình chơi, khi đang cầm cờ mà nếu bị đối phương vỗ vào người thì người đó bị loại và ngược lại khi lấy được cờ phải chạy nhanh về vạch xuất phát của đội mình không bị đội bạn vỗ vào người thì người cầm cờ mới thắng.
2. Trò chơi Rồng rắn lên mây
a) Giới thiệu trò chơi
Trò chơi này quan trọng ở người đứng đầu hàng và người thầy thuốc, người đứng đầu hàng phải ngăn cản người thầy thuốc bắt được đuôi của mình, trong khi người thầy thuốc phải cố gắng bắt được đuôi của người đầu hàng. Trò chơi này đòi hỏi người chơi phải lanh lẹ và tinh mắt để tránh bị thua cuộc nhé.
b) Hướng dẫn cách chơi và luật
– Một người đứng ra làm thầy thuốc, những người còn lại đứng thành một hàng dọc, tay người phía sau nắm vạt áo hoặc đặt tay lên vai của người phía trước. Sau đó tất cả người chơi bắt đầu vừa đi vừa hát:
“Rồng rắn lên mây
Có cây lúc lắc
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?”
Sau đó, người đóng vai thầy thuốc trả lời:
“Thấy thuốc đi chơi!” (Người chơi có thể trả lời là đi chợ, đi câu cá, đi vắng nhà,…).
Đoàn người lại đi và hát tiếp cho đến khi thầy thuốc trả lời:
“Có !”
Và bắt đầu đối thoại như sau:
Thầy thuốc hỏi:
“Rồng rắn đi đâu?”
Người đứng làm đầu của rồng rắn trả lời:
“Rồng rắn đi lấy thuốc để chữa bệnh cho con.”
“Con lên mấy?”
“Con lên một.”
“Thuốc chẳng hay.”
“Con lên hai.”
“Thuốc chẳng hay.”
…
Cứ thế cho đến khi:
“Con lên mười.”
“Thuốc hay vậy.”
Kế đó, thì thầy thuốc đòi hỏi:
“Xin khúc đầu.”
“Những xương cùng xẩu.”
“Xin khúc giữa.”
“Xin khúc đuôi.”
“Tha hồ mà đuổi.”
– Lúc này người chơi làm thầy thuốc phải tìm cách bắt cho được người cuối cùng trong hàng, và người đứng đầu phải cản lại người thầy thuốc, cố ngăn cản không cho người thầy thuốc bắt được cái đuôi (người đứng cuối hàng) của mình.
– Hoặc người đứng cuối hàng phải chạy nhanh và tìm cách né tránh thầy thuốc. Nếu thầy thuốc bắt được người cuối cùng thì người đó sẽ bị loại.
3. Trò chơi Kéo co
a) Giới thiệu trò chơi
Đây là một trò chơi khá đơn giản và rất được nhiều người biết đến, hai bên phải kéo co đến khi nào một bên vượt vạch mức là thua. Trò chơi này đòi hỏi người chơi phải có thể lực, sức khỏe.
b) Hướng dẫn cách chơi và luật
– Khi có tiếng bắt đầu của trọng tài, các đội bắt đầu túm lấy một sợi dây thừng để kéo.
– Hai bên phải ra sức kéo, sao cho đội đối phương bước qua vạch của mình là thắng.
4. Trò chơi Bịt mắt bắt dê
a) Giới thiệu trò chơi
Một người chơi phải bịt mắt để đi bắt những người chơi còn lại. Nếu là người đi bắt, người chơi nên dùng tai nhiều hơn để xác định vị trí của các người chơi khác. Còn nếu là người trốn, người chơi phải đi nhẹ, nói khẽ để tránh việc bị người bịt mắt phát hiện và bị bắt.
b) Hướng dẫn cách chơi và luật
– Một người bịt mắt lại bằng một chiếc khăn, những người còn lại đứng thành vòng tròn quanh người bị bịt mắt.
– Sau đó, người bị bịt mắt bắt đầu di chuyển tìm kiếm mọi nơi để bắt người chơi, người chơi phải cố tránh để không bị bắt và có thể tạo ra nhiều tiếng động khác để đánh lạc hướng người bịt mắt.
– Đến khi người bịt mắt bắt được người chơi thì người chơi đó sẽ bị thua.
5. Trò chơi Đua thuyền trên cạn
a) Giới thiệu trò chơi
Các thuyền phải được dùng cơ thể của người chơi tạo thành, người chơi phải dùng hai tay và hai chân để chèo thuyền về phía trước. Trò chơi này đòi hỏi người chơi phải đoàn kết, có sức khỏe và lực cánh tay tốt.
b) Hướng dẫn cách chơi và luật
– Trò chơi này có thể chia thành nhiều đội chơi khác nhau, mỗi đội chơi phải có số lượng người chơi bằng nhau.
– Các người chơi ngồi thành hàng dọc theo từng đội, người chơi ngồi sau cặp chân vào vòng bụng của người trước để tạo thành một chiếc thuyền đua. Khi nghe hiệu lệnh của trọng tài, tất cả các thuyền đua dùng sức bằng hai chân và hai tay di chuyển cơ thể nhanh chóng để tiến về phía trước cho đến đích. Đội nào đến đích trước sẽ giành chiến thắng.
6. Trò chơi Nhảy bao bố
a) Giới thiệu trò chơi
Trò chơi này đòi hỏi người chơi phải có thể lực, nhanh chân chạy thật nhanh khi đến lượt mình và cố gắng vượt qua đội khác. Vì là trò chơi đồng đội nên mỗi người phải cố gắng hoàn thành lượt chơi của mình nhanh nhất có thể nhé.
b) Hướng dẫn cách chơi và luật
– Tất cả người chơi chia thành nhiều đội chơi có số lượng bằng nhau, mỗi đội có một ô hàng dọc để nhảy và có hai lằn mức là một mức xuất phát và một mức về đích.
– Người đứng đầu bước vào trong bao bố, sau khi nghe lệnh xuất phát mới bắt đầu nhảy nhanh đến đích, tiếp đó sẽ đến người thứ 2 nhảy, người thứ 3,… cho đến hết người chơi. Đội nào về trước đội đó thắng.
– Trong quá trình chơi, người chơi nào nhảy trước hiệu lệnh xuất phát là phạm luật, người nhảy chưa đến mức quy định hoặc nhảy chưa đến đích mà bỏ bao ra cũng phạm luật.
7. Trò chơi Ô ăn quan
a) Giới thiệu trò chơi
Người chơi phải nhanh tay ăn hết quan (sỏi) của người chơi khác một cách nhanh chóng. Trò chơi này người chơi nên tính toán trước các quan (sỏi) để được thắng nhanh nhất.
b) Hướng dẫn cách chơi và luật
– Người chơi vẽ một hình chữ nhật được chia đôi theo chiều dài và ngăn thành 5 hàng dọc cách khoảng đều nhau, để có được 10 ô vuông nhỏ.
– Sau đó, hai người chơi đi hai bên, người thứ nhất đi quan với nắm sỏi trong ô vuông nhỏ, các sỏi được rải đều xung quanh từng viên một, khi đến hòn sỏi cuối cùng người chơi vẫn đi ô bên cạnh và cứ thế tiếp tục đi quan (bỏ những viên sỏi nhỏ vào từng ô liên tục). Vậy là những viên sỏi đó đã thuộc về người chơi đó, lúc này người đối diện mới được bắt đầu.
– Đến lượt đối phương đi quan cũng như người đầu tiên, cả hai thay phiên nhau đi quan cho đến khi nào nhặt được phần ô quan lớn và lấy được hết phần của đối phương. Phân thắng thua theo số lượng của các viên sỏi.
8. Trò chơi Mèo đuổi chuột
a) Giới thiệu trò chơi
Đây là một trò chơi thuộc kiểu tập thể rất được nhiều trẻ em yêu thích, bởi sự đơn giản và vui nhộn từ trò chơi mang lại. Người chơi là mèo phải cố gắng bắt được chuột để giành chiến thắng.
b) Hướng dẫn cách chơi và luật
– Tất cả người đứng thành vòng tròn, cùng nắm tay và giơ cao qua đầu. Sau đó tất cả người chơi cùng hát:
“Mèo đuổi chuột
Mời bạn ra đây
Tay nắm chặt tay
Đứng thành vòng rộng
Chuột luồn lỗ hổng
Mèo chạy đằng sau.”
– Sau đó, một người chơi được chọn làm mèo và một người chơi được chọn làm chuột sẽ đứng ở giữa vòng tròn và quay lưng vào nhau.
– Khi mọi người hát đến câu cuối thì chuột bắt đầu chạy, mèo phải chạy đằng sau. Tuy nhiên, mèo phải chạy đúng chỗ chuột đã chạy. Mèo thắng khi mèo bắt được chuột.
9. Trò chơi Cá sấu lên bờ
a) Giới thiệu trò chơi
Người chơi phải chạy nhanh chóng tìm bờ để trước khi bị bắt. Nếu là người thua, người chơi phải xác định một người chơi nào chưa tìm được bờ và nhanh chóng bắt người đó lại thay thế cho mình.
Trò chơi này đòi hỏi người chơi phải tinh ý và nhanh nhẹn để trở thành người thắng cuộc.
b) Hướng dẫn cách chơi và luật
– Một người chơi sẽ làm cá sấu di chuyển dưới nước, những người chơi còn lại chia nhau đứng trên bờ, sau đó các người chơi chọc tức cá sấu bằng cách đợi cá sấu ở xa thì thò một chân xuống nước hoặc nhảy xuống nước và vỗ tay hát “Cá sấu, cá sấu lên bờ”. Khi nào cá sấu chạy đến bắt thì phải nhảy ngay lên bờ.
– Người chơi nào nhảy lên bờ không kịp bị cá sấu bắt được thì thua và phải thay làm cá sấu.
10. Trò chơi Nhảy lò cò
a) Giới thiệu trò chơi
Nhảy lò cò là trò chơi thiên về hoạt động thể chất và giữ cân bằng. Trò chơi này không giới hạn số lượng người chơi. Người chơi có thể nhảy lò cò một mình hoặc có thể tổ chức chơi với một
nhóm nhiều người.
b) Hướng dẫn cách chơi và luật
– Đầu tiên, người chơi kẻ 7 ô vuông và đánh số thứ tự từ 1 đến 7.
– Mỗi người chơi có một đồng chàm dùng để thảy vào ô thứ tự và người chơi nào đi hết vòng thì có thể xây nhà và đi tiếp cho đến khi mất lượt.
– Nhưng trong quá trình chơi, nếu người chơi đạp trúng vạch kẻ hay thảy đồng chàm ra ngoài thì người chơi đó sẽ bị mất lượt và đến phần người chơi khác.
– Nếu đồng chàm thảy ra ngoài hay vào nhà người khác thì mất lượt nhưng nếu đồng chàm hay người chơi đó mà nhảy lò cò vào nhà thay vì phải mất lượt thì được xem như nhà bị cháy.
11. Trò chơi Trồng nụ trồng hoa
a) Giới thiệu trò chơi
Hình thức chơi trò chơi này cũng giống như tên gọi của trò chơi, các người chơi phải trồng nụ và trồng hoa để người chơi khác nhảy qua, nếu người chơi nào nhảy qua không được sẽ vào làm nụ làm hoa cho người chơi đó nhảy.
b) Hướng dẫn cách chơi và luật
– Đầu tiên, hai người chơi sẽ ngồi đối diện nhau, hai chân duỗi thẳng và chạm vào bàn chân của nhau.
– Bàn chân của người này chồng lên bàn chân của người kia (bàn chân dựng đứng). Sau đó, hai người chơi khác sẽ nhảy qua rồi lại nhảy về.
– Lúc này, một người lại chồng 1 nắm tay lên ngón chân của người kia làm nụ. Hai người chơi lúc nãy lại nhảy qua, nhảy về. Rồi người đối diện người làm nụ sẽ dựng thẳng tiếp 1 bàn tay lên trên bàn tay nụ để làm hoa. 2 người lại nhảy qua, nếu chạm vào nụ hoặc hoa thì mất lượt phải ngồi thay cho một trong 2 người ngồi.
12. Trò chơi Truyền tin
a) Giới thiệu trò chơi
Người chơi nên lắng nghe thật kỹ thông tin của người chơi trước để truyền tin cho đồng đội của mình được chính xác, tránh việc truyền tin không đúng và làm cho đội bị trừ điểm.
b) Hướng dẫn cách chơi và luật
– Tất cả các người chơi sẽ chia làm nhiều đội chơi, các đội chơi sẽ đứng xếp thành một hàng dọc. Lúc này, trọng tài sẽ cho người đứng đầu hàng đọc nội dung của một thông tin nào đó (tất cả cùng chung 1 bản).
– Sau đó, người thứ nhất sẽ truyền tin cho người thứ hai bằng cách nói nhỏ vào tai người đó, trò chơi cứ tiếp tục như thế cho đến khi truyền tin đến cho người cuối cùng. Lúc này, người cuối cùng nhận được thông tin sẽ ghi vào giấy và đưa cho trọng tài.
– Đội nào có nội dung bản thông tin giống bản gốc nhất là đội đó thắng.
13. Trò chơi Chi chi chành chành
a) Giới thiệu trò chơi
Muốn kích thích được sự phản xạ nhanh cho trẻ cũng như rèn luyện sự tập trung, bạn có thể tổ chức trò chơi chi chi chành chành.
b) Hướng dẫn cách chơi và luật
Lớp học sẽ chia thành các đội chơi có từ 3 thành viên trở lên để tham gia trò chơi này. Trong 3 bạn chơi sẽ chọn ra 1 bạn để xòe tay, ngửa lòng bàn tay lên. Các bạn còn lại sẽ đặt ngón tay trỏ của mình vào lòng bàn tay bạn trước đó và cùng đọc bài đồng giao “chi chi chành chành”.
Đến cuối bài có câu “ù à ù ập”, bạn xòe bàn tay sẽ nhanh chóng nắm tay lại để bắt tay của các bạn. Những bạn khác phải rút tay thật nhanh để không bị giữ lại. Ai bị không rút ra kịp mà bị nắm trúng thì sẽ thua cuộc.
14. Trò chơi Kéo cưa lừa xẻ
a) Giới thiệu trò chơi
Kéo cưa lừa xẻ là trò chơi dân gian cho trẻ mầm non giúp bé giải trí, gắn kết với nhau. Qua đó các bé có thể giao tiếp với nhau và với mọi người xung quanh mình một cách tự nhiên hơn.
b) Hướng dẫn cách chơi và luật
Trò chơi này cực kỳ đơn giản, 2 bé sẽ ngồi xuống đối diện nhau, bé có thể nắm tay hoặc đan tay vào với nhau.
Tiếp đó, các bé sẽ vừa hát bài hát dân gian “kéo cưa lừa xẻ” vừa đẩy qua đẩy lại. Trong khi đẩy, bé nào không giữ được thăng bằng mà nghiêng người về trước hoặc sau đều được tính là thua. Hình thức phạt khi thua cuộc có thể linh hoạt tùy thuộc vào ý kiến của các bé và quản trò.
15. Trò chơi Oẳn tù tì
a) Giới thiệu trò chơi
Oẳn tù tì hay còn được biết đến với tên gọi khác như kéo – búa – bao hoặc kéo – búa – lá.
b) Hướng dẫn cách chơi và luật
Tham gia vào trò chơi dân gian này, các bé sẽ rèn luyện được khả năng phán đoán dựa trên sự tư duy cá nhân của bản thân. Khi chơi, các bé sẽ đọc câu đồng giao “oẳn tù tì, ra cái gì, ra cái này”. Sau đó, từng bạn sẽ lựa chọn ra kéo, búa hay bao (lá). Cách tính như sau:
- Kéo: Là khi bé giơ ngón tay trỏ và ngón tay giữa.
- Búa: Bé nắm bàn tay lại thành hình nắm đấm.
- Bao/lá: Là khi bé xòe 5 ngón tay của mình ra.
Quy định về thắng cuộc được tính dựa theo nguyên tắc: búa đập kéo, kéo cắt lá, lá sẽ bao trùm lấy bao.